Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Tâm thần hay ma nhập.

Bệnh tâm thần là một thảm họa của nhân loại. Theo ước tính có đến một phần năm nhân loại trong một thời gian nào đó có những biểu hiện của bệnh tâm thần. Y học gọi họ là bệnh nhân tâm thần, xã hội gọi là người điên. Dân gian thì cho là do ma quỷ gây nên hoặc cho là đời cha ăn mặn đời con khát nước.

Thật ra chỉ cần không bước qua nổi một khoảnh khắc quá căng thẳng của cuộc sống, nhiều người đã phải từ giã cuộc sống bình thường để bước sang một thế giới khác. Ở thế giới đó họ vẫn tồn tại nhưng là tồn tại trong một trạng thái vô thức, thẫn thờ vô cảm, không kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Có xác mà vô hồn.

Trong số các bệnh tâm thần thì nhóm bệnh rối loạn tư tưởng (thought disorders) chiếm phần lớn nhất. Tên Y học là schizophrenia hay tâm thần phân liệt, dùng để chỉ bệnh điên loạn. Lẫn lộn với loại bệnh này còn có hiện tượng ma nhập với những triệu chứng tương tự. Khoa học không chấp nhận chuyện ma nhập, vẫn cho đó là bệnh tâm thần và chữa trị theo y khoa. Nhưng trong thực tế, hiện tượng nhập xác chẳng có gì xa lạ đối với dân gian. Kinh thánh Thiên Chúa giáo ghi lại những phép lạ do Chúa Giêsu thực hiện, nổi bật nhất là những chuyện trừ ma, đuổi quỷ. Hiện nay, giáo Hội La Mã vẫn cho phép một số linh mục tiếp tục nối gót Chúa Giêsu làm nghi thức trục ma, tiếng Anh gọi là "exorcism". Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng đa số là bệnh tâm thần, chỉ một số ít là do phần âm tác động.

"Hiện tượng Ma nhập hay Bệnh tâm thần". Bài này nhằm phân tích hiện tượng mà có người cho là do tác động của phần âm, trong khi khoa học khẳng định là bệnh tâm thần có thể chữa trị bằng y khoa.

1- Tâm Thần:

- Ðịnh nghĩa: Là một bệnh lý của não, có nguyên nhân do trục trặc của não bộ, trung khu thần kinh bị biến động, có những biến đổi sinh học phức tạp, chịu tác động mạnh của môi trường tâm lý xã hội và gia đình không thuận lợi dẫn đến trở thành bất bình thường..

- Nguyên nhân: Đa số do hứng chịu những cú sốc tâm lý quá lớn của cuộc sống (sợ hãi, tình cảm, kinh tế, người thân chết v.v…) Một số do tai nạn, môi trường sống, rối loạn hormone. Yếu tố di truyền cũng đang được nghiên cứu.

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, hầu như mỗi người ai cũng có lúc có biểu hiện của bệnh tâm thần.

* Một số loại bệnh tâm thần thường gặp:

Theo y văn của nhiều nước, có trên 300 loại bệnh tâm thần khác nhau. Một số loại bệnh tâm thần phổ biến như sau:

- Tâm thần phân liệt (Schizophrenia)‏

- Rối loạn đa nhân cách (Personality Disorders)‏

- Hoang tưởng (Paranoid)‏

- Ảo giác (Hallucinations)‏

- Nghe tiếng nói (Auditory Hallucinations)‏

- Rối loạn suy nghĩ (Disorganized Thinking)‏

- Kích động (Hysteria)‏

- Hứng khởi (Elation)

* Các dấu hiệu bệnh tâm thần: 

- Tâm trạng và cảm xúc: tuyệt vọng, có cảm giác tội lỗi, lo sợ, tủi nhục, …

- Suy nghĩ và lời nói: muốn tự sát, hay quên, lo lắng về sức khoẻ, nói vô nghĩa, nghĩ là đang bị theo dõi, nói một mình ...

- Thái độ và hành vi: thích ẩn dật, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, bỏ vệ sinh cá nhân, có những tư thế lạ, thích di chuyển…

- Cơ thể: hay mệt mỏi, ăn không ngon miệng, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở, toát mồ hôi, tự đốt hay cắt da thịt, sợ nước, sợ ánh sáng …

* Ðiều trị Y khoa:

- Nếu nặng thì phải đưa đến bệnh viện tâm thần. Có nhiều phương pháp điều trị, bằng các liệu pháp tâm lý, thôi miên, uống thuốc …

- Nếu nhẹ thì có thể ở nhà điều trị.

Môi trường gia đình và xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với người bị bệnh tâm thần.

2- Ma nhập:

- Ðịnh nghĩa: Là một hiện tượng huyền bí phát xuất từ cõi vô hình. Một đối tượng bị phần âm chiếm xác thực hiện những hành vi ngôn ngữ ngoài sự kiểm soát của mình.

- Dân gian: Gọi là bệnh phần âm, bệnh đằng dưới, ma nhập. Biểu hiện dưới nhiều hình thức như liêu trai, hồn ma báo oán, … 

- Tôn giáo: Hầu như tất cả các tôn giáo đều gọi là tà nhập và có phương pháp trị tà riêng.

- Y Khoa: Cho tất cả đều là bệnh tâm thần.

* Một số nguyên nhân ma nhập:

- Vô lễ với cõi vô hình.

- Có ân oán với phần vô hình trong quá khứ.

- Nhiều nguyên nhân khác .....

* Một số triệu chứng của hiện tượng ma nhập:

- Đau bụng, nhức đầu không rõ nguyên nhân.

- Giật kinh.

- Hay gây tiếng động.

- Giảng đạo/chống đạo.

- Đập phá bàn thờ.

- Đối đáp khôn ngoan.

- Ánh mắt tinh lanh có ánh xanh.

- Le lưỡi dài.

- Uốn cong người.

- Xưng này xưng nọ.

- Sợ ánh sáng.

- Giỡn nước nhiều / sợ nước.

* Một số phương pháp giải trừ phần âm:

Tùy theo quan niệm dẫn đến có nhiều cách giải trừ phần âm khác nhau.

- Các tôn giáo đều có phương cách và nghi lễ riêng. Tất cả đều nhân danh Đấng Tối Cao ra lệnh cho con tà phải xuất ra. Kết cục thường là chánh thắng tà, giúp củng cố đức tin của dân gian đối với các tôn giáo.

- Dân gian cũng có nhiều cách. Đi tìm thầy cúng, các pháp sư dùng roi dâu, máu chó mực …

- Hội cũng có cách riêng, thường là đối thoại, tìm ra nguyên nhân và thương lượng với phần âm và đứng ra bảo lãnh để hướng dẫn người bị nhập biết cách trả món nợ cho phần âm nhằm giải quyết ân oán của hai bên. Cách hay nhất để trả nợ cho phần âm là làm công đức.

Giải trừ ma nhập thật ra không phức tạp và gay cấn như trong phim Exorcist, hay trong những nghi thức trừ tà cổ điển của thầy pháp. Chúng ta vẫn có thể thuyết phục con tà chấm dứt hành xác nếu nắm vững được căn nguyên của hiện tượng ma nhập. Như đã nói trên, hồn ma đến để đòi món nợ mà người bị nhập hay gia đình đã thiếu trong quá khứ. Món nợ này có thể hiểu như những bất công mà những người này đã mang tới cho hồn ma trước đó. Trên quan điểm này thì chính hồn ma mới là nạn nhân thực sự, xuất hiện để đòi công bằng. Tại sao ta lại bênh vực kẻ có tội là người sống để tìm cách đánh đuổi nạn nhân là hồn ma báo oán? Hành xử như vậy chẳng trách nào mà thầy pháp thường mắc nạn, đến nỗi phải vào tù vì bị con tà gạt gẫm gây thương vong cho người bị nhập.

3- Một số điểm khác nhau giữa Tâm thần và Ma nhập:

Y học tân tiến với bao tiến bộ vẫn còn đang cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của bệnh tâm thần hầu mong có cách điều trị tốt đẹp. Y học đã thu được một số kết quả như một số bệnh tâm thần do tật bẩm sinh, do rối loạn hormone dopamine trong não, do tổn hại hệ thần kinh vì thiếu dưỡng khí lúc sanh ra do ngộ độc hóa chất hay ma túy, hoặc do các chấn động mạnh của não bộ hay tâm sinh lý. Nhưng y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của bệnh tâm thần ở một số lớn trường hợp khác, trong đó có nhóm người bị ma nhập.

Khoa học không có bằng chứng về sự hiện hữu của thế giới vô hình, hơn nữa triệu chứng ma nhập và bệnh tâm thần gần giống nhau, cho nên không chấp nhận hiện tượng nhập xác. Ngoài rối loạn trong não bộ, khoa học còn tìm thấy người bệnh thường ở lớp trẻ từ 15 đến 45 tuổi, đa phần có cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh, trong dòng dõi cũng đã có người mắc bệnh thần kinh. Khởi đầu người bệnh bị trầm cảm, sống biệt lập và lười săn sóc áo quần, diện mạo. Họ bắt đầu nói năng không mạch lạc và buông xuôi mọi sinh hoạt cần thiết như học hành, công ăn việc làm. Các triệu chứng này có thể biến mất sau một thời gian vài tuần, vài tháng, vài năm, hay càng nặng hơn là trở thành vĩnh viễn như đờ đẫn, không xúc động, mất đi sự liên kết giữa tư tưởng và cảm xúc. Ý tưởng không còn mạch lạc, liên tục, lại hay nghi bậy và tin bậy (Delusion), rồi lại thả mình vào trong thế giới ảo tưởng đó. Ngoài ra họ còn có ảo giác (hallucinations) nghe tiếng mời gọi thúc giục trong tai như tiếng của Thượng Đế, của ma quỷ, của kẻ thù v.v… Đôi khi họ lại thấy hào quang, ánh sáng, thấy Phật, thấy Chúa, hay ma quỷ v.v…. Người bệnh hành động, xử thế quái dị, cười nói huyên thuyên, kể ra những điều dị thường xen giữa những cơn hứng khởi (elation), hoạt bát, công kích, phá phách v.v….

Người bị ma nhập thường có thời gian phát bệnh ngắn, thường là dưới một năm, trong khi đó rối loạn tâm trí có thể kéo dài cả đời. Người bị rối loạn tâm thần, triệu chứng lập đi lập lại vô ý nghĩa trong khi người bị ma nhập có những lúc tỏ ra tinh khôn, nói năng hoạt bát. Gia đình bệnh nhân thường biết rõ phần vô hình muốn gì, công kích hay chửi bới ai. Nhưng trước bác sĩ và những người ngoài cuộc, thì hồn ma lại có những hành động như người mất trí để che dấu tông tích của mình.

Phần vô hình mượn các triệu chứng tâm thần để đến với đối tượng trong mục tiêu báo thù cho những thiệt hại mà người này và gia đình đã gây nên trong quá khứ. Hồn ma, có thể là người rất gần gũi với gia đình người bị nhập, đến để đòi món nợ tình, tiền hay mạng sống bằng lối hành xác.

Đôi khi phần vô hình quá tinh khôn, còn dẫn dụ thầy pháp tiếp tay tra tấn nạn nhân bằng lửa, roi dâu hoặc làm nhục với đồ dơ như phân gà, máu chó. Tệ hại hơn nữa, trong những trường hợp đòi mạng, phần âm còn mượn tay thầy pháp đánh đập người bị nhập cho đến chết. Ngoài ra, phần vô hình cũng có thể xui nạn nhân tông xe, nhảy lầu v.v…

 

Nói chung, với cặp mắt của người bình thường, rất khó phân biệt vì hầu như là giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm có thể giúp chúng ta phân biệt:

* Tâm Thần:

- 90% là tâm thần.

- Lù đù.

- Lập đi lập lại vô ý thức.

 

- Ánh mắt lờ đờ.

- Nói vô nghĩa.

- Đập phá lung tung.

- Không nhớ những gì đã nói.

- Đa nhân cách: không nhớ các nhân cách kia.

- Thời gian bịnh: Dài.

* Ma Nhập:

- Một số rất ít ma nhập.

- Lanh lẹ.

- Đối đáp khôn ngoan.

- Ánh mắt tinh lanh.

- Giảng đạo.

- Đập phá bàn thờ.

- Nhớ những gì đã nói.

- Nhiều phần âm nhập: nhớ rất rõ các phần âm.

- Thời gian bịnh: Ngắn.

4- Nhận định:

Khoa học không có bằng chứng về sự hiện hữu của thế giới vô hình, hơn nữa triệu chứng ma nhập và tâm thần gần giống nhau cho nên khoa học không chấp nhận hiện tượng nhập xác.

- Phần vô hình mượn các triệu chứng tâm thần với mục đích đòi lại những thiệt hại mà người này đã gây ra cho hồn trong quá khứ.

- Ma nhập thường có thời gian ngắn vì chỉ cần giải quyết xong ân oán là hồn sẽ ra đi.

 

- Có mục đích, có đối tượng. Chỉ những người có ân oán mới bị nhập.

- Có thể ví hiện tượng ma nhập như là một hiện tượng bị chiếm xác (Body Jack).

- Người ngoài không biết, không hiểu nhưng trong gia đình thì hiểu rất rõ.

Kết luận:

- Qua phần trình bày trên, chúng ta đã thấy rõ được sự khác biệt của bệnh tâm thần và hiện tượng ma nhập. Đây là hai lãnh vực riêng biệt. Cho nên muốn giải trừ phần âm phải nhờ chuyên gia huyền bí, cũng như muốn chữa bệnh thần kinh phải đến bác sĩ y khoa.

- Tuy nhiên, trường hợp nhập xác tương đối hiếm hoi cho nên sự kiện y khoa xem tất cả đều là bệnh tâm thần cũng là điều thuận lợi cho nhân loại.

 

- Hơn nữa hiện tượng ma nhập phát xuất từ cõi vô hình chắc hẳn phải nằm trong thiên ý vì mang lại lợi ích tâm linh cho nhiều người.

- Cho nên người mắc nạn có được giúp đỡ hay không còn tùy thuộc vào duyên phước.

- Phần âm thường đến với người nặng nghiệp hoặc có gây món nợ với phần âm trong quá khứ. Ma nhập cũng là một cách để người này trả món nợ trước đây.

- Vì vậy phần âm là nạn nhân và người bị nhập chính là thủ phạm. Như vậy tại sao chúng ta lại bênh vực cho kẻ có tội là người sống để đánh đuổi nạn nhân là hồn ma về đòi nợ. Chúng ta cần phải là quan tòa vô tư và công bình để phán xét.

- Trong cái rủi cũng có cái may là sau khi thoát nạn, người bị ma nhập cũng như gia đình thường có nhiều thay đổi tốt đẹp về mặt tâm linh. Có lẽ trong lúc khốn cùng họ tìm sự nương tựa nơi chùa chiền, nhà thờ hoặc những chỗ huyền bí linh thiêng, để rồi cũng tại những nơi này họ tìm được con đường đạo thích hợp. Phải chăng vì lợi ích tâm linh này mà thần linh đã làm ngơ cho phần âm hoành hành qua hiện tượng ma nhập.

- Như vậy có thể kết luận rằng mọi hiện tượng ma nhập đều nằm dưới sự điều động của Bề Trên.

- Do đó gìn giữ giới luật, sống thiện lành và nhất là nhớ câu Đức trọng quỷ Thần kinh thì chắc chắn sẽ không bao giờ phải chạm trán với phần âm.

ST.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét